[Giáo dục -Nhà báo & Công luận] - Dư luận xung quanh đề thi môn văn TN THPT không nằm trong SGK

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

(Congluan.vn) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các thí sinh có thể sẽ phải đối mặt với đề thi mà nội dung không nằm trong sách giáo khoa...

>>> Đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT từ ngày 25/4 - 7/5
Với quy định thi mới này, Bộ GD - ĐT cho rằng sẽ tránh được sự học vẹt các tác phẩm văn mẫu như trước đây, thí sinh sẽ không còn máy móc và thụ động khi triển khai đề tài và lập dàn ý luận điểm. (Ảnh: Internet) Đây là hình thức thi mới được Bộ GD-ĐT vừa đưa ra áp dụng trong kỳ thi TN THPT năm nay. Theo đó, hình thức thi này nhằm kiểm tra năng lực, kỹ năng cảm thụ phân tích của thí sinh. Thông qua đó, có thể xác định được năng lực học thật sự của thí sinh chứ không phải kiểu học vẹt hay học gì thi nấy như trước kia... Quan điểm của Bộ Theo Bộ GD-ĐT, đề thi môn Ngữ văn năm nay sẽ có 2 phần, đọc - hiểu và viết. Ý kiến của Bộ đưa ra thì đây không phải là thay đổi hình thức thi mà cho thí sinh tiếp xúc với những định hướng về mục tiêu dạy, tiến sát hơn về những điều mà Bộ đã ra hướng dẫn lâu nay. Như vậy, đề thi năm nay sẽ theo hướng kiểm tra năng lực người học, sẽ có năng lực chung và năng lực riêng. Phần thi đọc - hiểu sẽ là phần đánh giá năng lực riêng của thí sinh. Đây sẽ là phần mà đề thi sẽ không nằm trong sách giáo khoa, có thể sẽ là một tác phẩm văn học hoặc có thể đề thi mở theo dạng nghị luận xã hội. Thông qua đó sẽ đánh giá được sự cảm nhận văn chương, khả năng truyền tải của thí sinh, sự hiểu biết thực tế để trình bày dưới dạng bài văn viết. Theo Bộ GD - ĐT, những hình thức thi cũ quá nặng về hình thức trả bài và cho điểm. Thí sinh sẽ chỉ cố gắng đọc và nhớ các bài văn mẫu để đưa vào bài thi một cách máy móc và khuôn mẫu. Như vậy sẽ chỉ là một kỳ thi kiểm tra năng lực học vẹt của thí sinh chứ không phải là kỳ thi kiểm tra năng lực học văn, cảm thụ văn trong 12 năm của thí sinh. Đề thi mới sẽ khắc phục những nhược điểm này. Những luồng ý kiến
Với hình thức thi mới, đề văn có thể không nằm trong sách giáo khoa, các thí sinh liệu có bắt kịp với hình thức thi mới này khi mà từ trước đến nay chỉ được đọc và học các tác phẩm trong sách? (Ảnh Internet) Khi quyết định này được đưa ra, có 2 luồng ý kiến trái chiều khác nhau. Một số ý kiến tỏ ra rất đồng tình với quyết định này của Bộ. Các ý kiến cho rằng, nếu thí sinh có khả năng hiểu, cảm thụ và phân tích được bài văn trong sách giáo khoa thì tất nhiên sẽ phải có khả năng phân tích một bài ngoài sách giáo khoa. Như vậy, cả người làm bài và người chấm thi sẽ thoát khỏi sự nhàm chán, mệt mỏi vì phải viết và phải đọc hàng loạt những bài văn giống nhau. Bởi vì các luận điểm chính của bài văn đã được giáo viên dạy cho các thí sinh. Khi bước vào phòng thi, thí sinh chỉ việc áp dụng và triển khai ra, không thoát được những luận điểm cũ kỹ. “Hơn nữa, những tác phẩm trong sách giáo khoa chỉ nên là mẫu để các em học và định hướng được cách phân tích. Các thí sinh đã trải qua những năm học văn không lẽ chỉ biết phân tích những bài văn đã được đọc và học thuộc lòng, còn những tác phẩm khác, thì không có khả năng cảm thụ và phân tích được sao”?- Chị Anh Ngọc (quận Bình Thạnh) bày tỏ. Bên cạnh đồng tình, những ý kiến bất bình với quyết định này cũng không ít. Các ý kiến cho rằng, từ trước đến nay, các thí sinh chỉ được học những tác phẩm trong sách giáo khoa, bù đầu vào học tập sẽ không có thời gian để tiếp cận với thế giới bên ngoài. Các em hoàn toàn không có được sự tiếp xúc với thực tế thì làm sao có thể lấy đó để áp dụng vào bài viết? Học trong sách giáo khoa thôi mà các thí sinh còn chưa đủ năng lực để cảm nhận thì làm sao có thể áp dụng ra ngoài sách? Việc thay đổi đề thi chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng, thì các giáo viên môn văn sẽ không có đủ thời gian để hướng dẫn để thí sinh làm quen theo hướng này. “Đề thi ra không theo sách giáo khoa thì tại sao lại bắt các em học theo sách? Việc thay đổi quy định nhanh như thế này làm sao học sinh chúng em trở mình kịp để thích ứng”? - Quang Huy (học sinh Q.12 TP.HCM) chia sẻ. Môn văn được nhận xét là một dạng môn học năng khiếu như các môn hội họa và âm nhạc khác. Vì vậy, nếu một học sinh có năng khiếu cảm thụ văn chương thì chỉ cần đọc qua tác phẩm một lần là hiểu và diễn đạt được. Nhưng cũng có những học sinh không có năng khiếu nên năng lực cảm thụ văn chương hơi yếu, đọc một đoạn văn chương mới lạ, chưa từng được học thì sẽ mất rất nhiều thời gian để hiểu. “Với thời gian thi 120 phút, tôi chỉ sợ các thí sinh đọc, hiểu được tác phẩm đang nói gì thì cũng đã hết giờ” - một giáo viên Q.3 bày tỏ. Điều đáng nói nữa là trong tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT, không có những dạng đề này để thí sinh có thể làm quen trước. Hạ Du

0 nhận xét:

Đăng nhận xét