[Pháp luật -Sức Khỏe Đời Sống] - Cho trẻ đeo trang sức, “đeo” luôn họa!

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Hiện nay, không ít gia đình cho con em mình đeo những loại trang sức đắt tiền để làm đẹp. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại chưa ý thức được việc này sẽ “đeo họa” cho con em mình... Vụ việc mới xảy ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng này.

Miếng mồi ngon

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 10, TP. Hồ Chí Minh đang tạm giữ hình sự nghi can Nguyễn Thu Trâm (SN 1991, trú tại quận 4) để điều tra, xử lý về hành vi “trộm cắp tài sản”. Trâm là thủ phạm gây ra vụ “bắt cóc” bé gái 6 tuổi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 gây hoang mang dư luận vừa qua. Theo Trung tá Nguyễn Chiến Thắng - Trưởng Công an phường 10 cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía gia đình, bệnh viện, kết hợp công tác nắm địa bàn, biện pháp nghiệp vụ, trinh sát nhận định thủ phạm sẽ tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội nên tổ chức “đón lõng”. Trưa hôm sau, nghi can Trâm tiếp tục đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để “hành nghề” thì bị các chiến sĩ công an bắt giữ, đưa về trụ sở công an phường. Tại cơ quan công an, đối tượng Trâm khai nhận: Vào khoảng 10h ngày 5/4, Trâm phát hiện bé Thanh đứng một mình trước quầy thu phí của Bệnh viện Nhi Đồng 1, trên tai có đeo đôi bông vàng nên dắt bé ra ngoài cổng. Sau đó, Trâm đón xe ôm chở bé Thanh qua hồ bơi Khánh Hội (quận 4). Tại đây, Trâm lột bông tai vàng trên tai bé Thanh, khi lột đến chiếc thứ hai thì bị bé Thanh kêu lên nên Trâm sợ hãi bỏ đi.


Đối tượng Trâm tại cơ quan điều tra.

Đây không phải là lần đầu trẻ em có nữ trang trở thành “mồi ngon” của những đối tượng xấu. Trước đó, tại một trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) liên tiếp xảy ra các vụ trấn lột xe đạp, điện thoại, đồ nữ trang của học sinh (HS) sau khi tan học. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này thường chọn vào thời điểm tan trường, nhắm vào đối tượng là học sinh nữ, có đeo trang sức hoặc sử dụng điện thoại đắt tiền. Chúng chọn khi “con mồi” đi một mình, ép đến chỗ vắng thực hiện hành vi trấn lột tài sản.

Hậu quả nguy hiểm!

Điều đáng báo động trước tình trạng trẻ em hoặc HS có nữ trang hoặc đồ dùng đắt tiền sau khi bị đối tượng xấu trấn lột thường không trình báo công an, nhà trường, thậm chí giấu giếm cả gia đình sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý của trẻ. Thầy giáo Phan Lâm Hỷ - Hiệu trưởng Trường THCS Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ: Tôi xem trấn lột như là một vấn đề của xã hội và mang tính tiêu cực. Nó có thể xảy ra ở bất cứ trường nào.

Cái mất lớn nhất với những HS bị trấn lột là mất niềm tin trong cuộc sống. Bởi các em không biết bảo vệ mình bằng cách chia sẻ với cha mẹ, thầy cô và những người lớn khác. Từ đó, các em dễ chấp nhận và thỏa hiệp với cái xấu. Trái lại, những đối tượng xấu (kể cả con em một số gia đình khá giả cũng có thể tham gia trấn lột, chứ không chỉ có HS khó khăn - PV) từ sự im lặng, chịu đựng của nạn nhân nên ngày càng lấn tới, dễ có những hành vi nguy hiểm cho xã hội, lôi kéo những em khác - kể cả em bị trấn lột - đi trấn lột người khác. Đứng về góc độ tâm lý thì đa phần những trẻ em, HS khi bị đe dọa trấn lột sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý, thậm chí trẻ bị sang chấn tâm lý.

BSCKII. Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết: Trước những vụ trấn lột, nhà trường thường muốn ém nhẹm bởi sợ mất uy tín, còn gia đình cũng muốn giữ kín bởi lo ngại ảnh hưởng đến việc học của con cũng như sợ xấu hổ với người khác. Trong khi đó, nếu không ngăn chặn kịp thời, triệt để bằng các biện pháp giáo dục thì những hành vi bạo lực như trên dễ lan truyền nhanh. Trẻ bị trấn lột nếu bị dồn nén mãi, không biết cách ứng phó về lâu dài sẽ bị trầm cảm, lo âu; có thể có những hành vi chống đối xã hội, gây hại cho người khác hoặc rơi vào nghiện ngập, thậm chí có thể dẫn đến tự sát.

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cảnh báo: Thói quen đeo đồ trang sức cho con không chỉ gây ra những tổn thương, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng mà còn có tác dụng “ngược” trong việc nuôi dưỡng tâm hồn các em. Các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi cho con em mình sở hữu món đồ có giá trị khi các em còn quá nhỏ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm và khả năng tự bảo vệ trong cuộc sống.

Ngọc Đỗ - Vi Hoàng Minh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét