[Sức khỏe -QĐND] - Nước suối Đắc Xia ô nhiễm nặng do Nhà máy Thịnh Phát xả thải

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

QĐND - Thời gian qua, con suối Đắc Xia chảy qua địa bàn xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy (Kon Tum) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Con suối nước vốn trong xanh là vậy, nay đã trở nên đen ngòm. Do ô nhiễm nặng nên cá lớn, cá bé nổi trắng trên mặt nước. Người dân địa phương thấy cá chết đổ xô ra suối vớt cá về ăn, nhưng họ đâu có ngờ, khi ăn những con cá này thì tất cả bị đau bụng, "miệng nôn, trôn tháo". Cả vùng quê yên ả bỗng trở nên náo loạn...

Đầu tháng tư, đến Sa Nhơn, chúng tôi thấy người dân địa phương vẫn chưa hoàn hồn sau khi vớt cá ngoài suối về ăn. Chị Y Tung ở thôn Nhơn Bình cho biết: Khoảng 10 giờ sáng 15-3, thấy cá ở suối Đăk Xia chết nổi trắng, tôi cùng hai con ra vớt về ăn. Mẹ con tôi vớt được nhiều lắm, có con nặng tới 10kg.

Không chỉ có gia đình chị Y Tung, mà người dân địa phương cũng đổ xô ra suối để vớt cá, mãi đến chiều tối 15-3 mọi người mới về nhà. Cá vớt được nhiều, ngoài việc chế biến để ăn, các gia đình còn chế biến thành món cá khô, cá nướng làm thực phẩm ăn dần. Sau khi ăn cá, không ít người dân ở thôn Nhơn Bình bị đau bụng quằn quại, "miệng nôn, trôn tháo". Cả 6 người trong gia đình chị Y Tung sau khi ăn xong bữa tối đều bị đau bụng dữ dội. Còn gia đình ông A Ngọc và hàng chục người trong các gia đình khác cũng có nhiều người lâm vào tình cảnh tương tự. Được biết, từ ngày 15 đến 22-3, đoạn suối Đăk Xia chảy qua thôn Nhơn Bình cá vẫn chết nổi trắng mặt nước. Do sợ cá có độc nên người dân không dám ra vớt nữa, cá chết phân hủy bốc mùi xú uế nồng nặc cả một vùng.


Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thịnh Phát, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.


Cá chết trắng trên suối Đắc Xia.

Theo người dân địa phương, nguyên nhân của sự ô nhiễm trên là do nguồn nước thải từ Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thịnh Phát chưa qua xử lý thải trực tiếp ra suối Đăk Xia. Nhà máy này đi vào hoạt động từ năm 2004. Trước đây, cứ vào mùa thu hoạch sắn, nhà máy hoạt động hết công suất thì nguồn suối Đắc Xia lại bị ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân ở thôn Nhơn Bình nói riêng và xã Sa Nhơn nói chung. Cũng bởi sống trong môi trường bị ô nhiễm, nên người dân trong thôn hầu như đều mắc các bệnh về hô hấp, khó thở và bệnh ngoài da.

Chị Y Tanh ở thôn Nhơn Bình bức xúc: "Cứ vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng nhà máy lại xả nước thải trực tiếp ra suối. Vào thời điểm này, bầu không khí trong thôn như “đặc quánh”, không ai ngủ được vì mùi xú uế. Tình trạng ô nhiễm còn khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của chúng tôi bị ảnh hưởng...". Trước đây, người dân trong thôn trồng lúa và hoa màu hai bên bờ suối Đăk Xia, nhưng từ năm 2004 đến nay, nhất là vài năm gần đây, nước suối bị ô nhiễm nặng nên các loại cây trồng không sống nổi. Thế là cả một vùng ruộng nương phải bỏ hoang hóa.

Ông A Hữu, Trưởng thôn Nhơn Bình cho biết: “Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở suối Đắc Xia diễn ra từ nhiều năm nay. Chính quyền thôn và UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà sự việc vẫn chưa được giải quyết. Người dân chúng tôi vẫn cứ phải sống trong cảnh ô nhiễm. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục thì có lẽ chúng tôi sẽ phải rời bỏ mảnh đất này đi nơi khác sinh sống...”.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở thôn Nhơn Bình nói riêng và xã Sa Nhơn nói chung đã ở mức báo động. Để giúp người dân địa phương an cư, lạc nghiệp, rất mong chính quyền và các ngành chức năng của huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân, từ đó có biện pháp khắc phục dứt điểm tình trạng trên.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀI NAM


0 nhận xét:

Đăng nhận xét