[Sức khỏe -Báo Phụ Nữ Online] - Phan An: Tình không như… đàn bà mơ

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

"Cũng giống Trình Giảo Kim, khi tán tỉnh, nếu tôi giở hai bài đầu ra mà các cô vẫn không lay chuyển thì đành “chim gặp bác chào mào, chào bác”, nghĩa là ở đây không có đất kiếm ăn, chắc đi yêu cô khác dễ hơn" - Phan An.

Cô nào không chịu nổi ba chiêu thì tôi xin rút

* Tác phẩm gần đây của anh - Nếu còn có tình yêu - khá giống với Nếu còn có ngày mai của Sidney Sheldon , Tình không như là mơ thì giống bài hát của Lệ Quyên, Minh Tuyết… Còn bút danh của anh - Phan An thì lại rất dễ bị nhầm với Phan An “trẻ”, Phan An “lá cải”…


Phan An: Cái tên Nếu còn có tình yêu là tôi cố tình nhại lại. Tên tập sách Tình không như là mơ là do biên tập đặt giúp tôi. Tôi cũng biết có Phan An “trẻ”, đó là người lấy bút danh giống tôi, nhưng tôi cũng không quan tâm. Văn học xưa nay vẫn có chuyện đó, có Vũ Bão rồi lại có Bão Vũ, nhưng mỗi người đều có độc giả của mình, khó có thể nhầm lẫn được. Còn nói về chuyện “thật”, thì có một phó giáo sư, tiến sĩ tên là Phan An ở Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cơ.

Tôi cũng không đặt nặng chuyện đó. Quan điểm của tôi về văn chương rất nhẹ nhàng, những thứ đó với tôi là chuyện bề ngoài, quan trọng là mình viết gì, chia sẻ gì với mọi người.

* Tình không như là mơ. Thực ra thì anh mơ gì về tình?

- Đây là tên một truyện ngắn của tôi trong sách, nói về việc con người đôi khi có những ước lệ về sự lãng mạn, ví dụ ngày này phải tặng hoa, ngày khác phải tặng bông… đến mức bề ngoài người ta có thể thấy ghen tị khi ai đó được tặng hoa, tặng quà như một giấc mơ, nhưng về bản chất thì quan trọng là người ta có thật lòng với nhau không. Tôi muốn loại bỏ những thứ gọi là giấc mơ lãng mạn xung quanh tình yêu.

* Truyện ngắn về tình yêu của anh là dành cho những người ít trải nghiệm đúng không?

- Ồ không, tôi nghĩ đối tượng của tôi là những người có nhiều trải nghiệm. Tôi không biết vì sao người ta lại cứ nghĩ như bạn.

* Ví dụ là tôi, thì tôi thấy cảm xúc trong sách của anh là miêu tả những người mới biết yêu.

- Điều đó là đúng. Vì như nhà thơ nào đã nói, yêu thì lần nào cũng là lần đầu, không bao giờ có kinh nghiệm cả. Mỗi một lần đều chết như trong phim, mà mỗi một phim đều là phim mới (cười).

* Nhưng một người đàn ông ngoài 40 yêu thì phải khác một chàng trai ở tuổi 20 chứ anh?

- Tôi lại thấy cũng thế thôi. Thậm chí tụi trẻ bây giờ còn… tinh nhuệ hơn ấy.

* Cũng có thể. Tôi nghĩ là có hai khả năng: một là anh đúng là yêu lần nào cũng như lần đầu thật, hoặc anh đã quá rành rồi, biết bước nào cần nhẩn nha, chậm rãi, vì anh biết đích là như thế nào, không cần vội vã làm gì.

- Có một cô gái cũng trách tôi: Em không phải là đối thủ của anh. Nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Tôi không đánh cờ trong tình yêu, mà mọi chuyện xảy ra hoàn toàn tự nhiên, quan trọng chỉ là cảm xúc.

* Tôi hiểu vì sao người ta nói anh yêu như đánh cờ. Đọc truyện của anh, ở những phần tán tỉnh, tôi cứ hình dung cô bạn gái của anh sẽ nghĩ: À, ra anh này có những chiêu trò này. Và có thể cô ta sẽ chờ đợi những chiêu trò mới của anh, nếu anh muốn gây bất ngờ, vì khó mà dùng bài cũ được.

- Cũng là Tình không như là mơ, vì đàn ông thật ra rất lười. Nếu đọc truyện này, bạn sẽ thấy nó kể về một anh tán các cô mà bao giờ cũng: đầu tiên là thả bướm trong hộp ra, sau đó bắn pháo hoa.

Võ của Trình Giảo Kim chỉ có ba chiêu, đánh chiêu thứ nhất, thứ hai mà đối thủ không chết, đến chiêu thứ ba vẫn không chết thì anh ta chỉ có đường… chạy. Đàn ông cũng như thế thôi. Khi tán tỉnh, nếu tôi giở hai bài đầu ra mà các cô vẫn không lay chuyển thì đành “chim gặp bác chào mào, chào bác” (lời bài hát Con chim vàng khuyên) …, nghĩa là ở đây không có đất kiếm ăn, chắc đi yêu cô khác dễ hơn.

* Nếu gặp một cô gái mà họ rất thích, đặc biệt thích, thì liệu họ có tán tỉnh đến cùng?

- Qua truyện tôi cũng muốn chia sẻ: đàn ông chỉ đơn giản như thế. Ai cũng giống như đàn bà, đeo đuổi người yêu hết năm này tới năm khác thì chắc là một nhân vật giả tưởng, hoặc họ… có vấn đề gì đấy.

Người ta cứ cố tình tô vẽ về những mối tình anh này yêu cô kia tha thiết các thứ. Như tôi, cứ mỗi năm, đến tháng ba, là tôi lại làm thơ, tính đến nay là mười năm rồi. Những người ở ngoài nhìn vào tưởng tôi có mối tình nào sâu sắc lắm, thực ra đấy chỉ là… búa một của tôi thôi. Mười năm rồi, vẫn làm thơ tháng ba nhưng nhân vật trong bài thơ của tôi thì thay đổi.

* Tôi nhớ rồi. Đàn ông vẫn nói: Anh mãi mãi yêu em, nhưng “em” thì thay đổi liên tục. Vậy là phụ nữ toàn ảo tưởng trong tình yêu à?

- Tôi muốn viết để tránh cho phụ nữ những ảo tưởng, nếu suy nghĩ một chút, còn nhìn ngoài, những gì tôi viết cũng vui vui vậy thôi. Tôi cũng nói là nếu vượt qua được ba chiêu búa, mà dùng tới chiêu búa thứ tư, thứ năm… thì có lẽ vì cô gái đó có một cái gì đó, như sắc đẹp, gia sản lớn, danh tiếng chẳng hạn. Nó không còn là tình yêu đích thực nữa.

* Tôi thì vẫn mong là trường hợp ba chiêu búa của anh là cá biệt, chứ nó không mang tính khái quát chung cho mọi đàn ông.

- Tôi thì cho là nó khái quát chung đấy.

Trò chơi tình yêu là đàn bà nghĩ ra và đàn bà dẫn dắt

* Những cô gái trong sách của anh hình như đều thuộc một típ người?

- Những cô gái tôi gặp thường là thông minh, cá tính, lãng mạn. Đây cũng là những độc giả của tôi, vì họ thích đọc về mình, giống như thích soi gương. Tôi không có nhu cầu gặp đối tượng khác, giống như đàn ông có ba chiêu thôi.

* Đàn ông chẳng bao giờ thấy chán với ba chiêu lặp đi lặp lại của mình à?

- Người ta đánh cờ suốt đời được, chỉ từng ấy quân, từng ấy nước thôi. Nếu có đưa ra khuyến cáo gì, thì tôi chỉ có thể nói rằng hãy chấp nhận đàn ông như họ vốn có. Tôi có viết truyện Cảm ơn đàn bà, khai mở rằng đàn ông là những người không thích thay đổi nhất, chính nhờ đàn bà mà đàn ông mới từ hang đi ra ngoài. Từ thời nguyên thủy, đàn ông cứ sống như thế bao nhiêu năm cũng được, đàn ông là Dương, bao giờ cũng thừa. Đàn bà là Âm, nên bao giờ cũng thấy thiếu, muốn tìm tòi, muốn chui ra khỏi hang làm đàn ông phải đi theo, nên loài người mới tiến bộ được như bây giờ.

Bản chất của đàn bà là luôn luôn đòi hỏi, đòi hỏi đàn ông phải thay đổi. Nếu họ chịu hòa với trò chơi của đàn ông thì hay hơn là đòi đàn ông phải chơi một ván khác.

* Thực ra những triết lý của anh trong sách và ngoài đời đều không hề mới.

- Vì tôi không định gây bất ngờ. Tôi không định lập ngôn. Tôi viết để chia sẻ, như trong phim Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love, một bộ phim của đạo diễn Vương Gia Vệ - PV), anh nhà văn sang Campuchia để nói vào hốc đá, nếu hốc đá không nghe thì kệ thôi.

Văn của tôi như một thứ thuốc an thần, đọc nhẹ nhàng, chẳng có gì kinh khủng cả. Nhưng tôi thì nghĩ trong sự nhẹ nhàng chứa đựng sự kinh khủng, như tôi từng viết, biến cố lớn nhất trong cuộc đời người đàn ông chính là không có biến cố gì. Tôi chịu ảnh hưởng của phương Tây nữa, đôi khi tôi nhìn mọi thứ trực diện hơn, ví dụ tôi nói chuyện ba búa chẳng hạn, không vòng vo.

Tôi còn là người khá bị động, không còn con đường nào khác thì đi con đường trước mặt. Trong tình yêu cũng thế, đôi khi cũng thụ động, thấy cô nào quan tâm, hứng thú với tôi thì tôi mới giở búa ra, chứ tôi chẳng bao giờ đâm chém trước.

* Giả sử gặp một cô bắt hết được bài của anh thì anh làm thế nào?

- Thì thôi không cưa nữa. Không đánh được thì đành phải chịu. Nhưng tôi cũng chưa gặp ai đến mức phải đánh đến ba búa. Vì có khi mới dùng một búa, hai búa thì mình đã không muốn đánh nữa, phải… chạy. Đấy là cách xử sự của đàn ông. Tôi viết là để chia sẻ điều đó.

* Tình không như là mơ chính là Tình không như... đàn bà mơ.

- Chuyện chỉ có thế thôi, còn lại là do đàn bà tưởng tượng ra. Ai cũng muốn có những chuyện ngọt ngào, nhưng đó là dối trá, và người ta thích nghe những lời dối trá. Thế nên tôi mới nói văn của tôi không dành cho trẻ con. Một là phải chấp nhận như nó thế, hai là… xịt nước hoa vào một đống abc gì đó. Mùi đấy là do mình tưởng tượng ra.

* Duy lý như thế còn vui không anh?

- Trò chơi tình yêu là do ai nghĩ ra? Là do đàn bà nghĩ ra và đàn bà dẫn dắt, đàn ông chỉ chấp nhận thôi.

Theo LINH HANYI
(Đẹp Online)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét