[Giáo dục -Báo Biên phòng] - Gian nan đi tìm con chữ

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Thôn Lồ Cồ Chin nằm cách trung tâm xã Pha Long, huyện Mường Khương, Lào Cai hơn 6km, cách cửa khẩu Lồ Cồ Chin - Lao Kha 500m, hệ thống đường giao thông được xây dựng kiên cố, nhưng cuộc sống của 18 hộ dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, hệ thống trường lớp không được quy hoạch hợp lý, đầu tư không hiệu quả nên học sinh ngày ngày phải học tập trong những căn phòng tồi tàn để đạt ước mơ tìm con chữ.


Cô trò lớp mầm non Lồ Cồ Chin dưới mái nhà rách nát.
Đến thôn Lồ Cồ Chin, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và xót xa khi chứng kiến các em học sinh trường mầm non của thôn phải học dưới mái nhà tạm, rách rưới, xiêu vẹo mượn nhờ người dân. Nói là nhà, nhưng mái được che chắn tạm bợ vài tấm prô-xi-măng, xung quanh là những tấm phên rách nát, cùng với đủ các loại vật liệu bìa cát tông, vỏ bao xi măng... Hằng ngày, các em đến lớp phải men theo con đường trơn trượt với những bậc thang nhỏ được thầy cô ở đây tự khắc phục. 6 cô trò lớp mầm non quây quanh một chiếc bàn nhỏ, cũ kỹ. Phía góc nhà là chiếc bếp củi để sưởi ấm cho các cháu trong mùa đông giá rét. Trang thiết bị học tập của các cháu là một vài miếng bìa được cô giáo trang trí, vài loại cây trồng trong chiếc xô cũ làm dụng cụ trực quan.

Cô Nguyễn Ngọc Hà, giáo viên phụ trách lớp, bùi ngùi chia sẻ, lớp học trường Mầm non Pha Long mượn của dân, trước đây, chủ nhà dùng để nhốt trâu bò, nhưng bây giờ, trâu bò đã được chuyển đi nơi khác nên trường mượn lại. Mỗi khi trời mưa gió, nước mưa đổ xuống ngập cả sàn nhà, cô trò phải ôm nhau chạy vào nhà dân để tránh trú. Vào những ngày rét đậm, rét hại, cô trò run bần bật theo từng cơn gió rít. Dù khó khăn như thế, nhưng các cháu hằng ngày vẫn đến lớp đều đặn, chú ý nghe cô giảng bài và hướng dẫn làm các trò chơi. Thực ra cô trò cũng rất thích trang trí lớp học cho gọn gàng, đẹp và có nhiều hình ảnh trực quan cho các cháu, nhưng không thể làm nổi.

Bên cạnh lớp mầm non, các lớp của khối tiểu học cũng không hơn là mấy, muốn xuống được lớp, chúng tôi phải lội qua con đường đầy phân trâu bò, lớp học cũng là một ngôi nhà tạm mượn của bà con trong thôn. Đối với một bản nghèo như Lồ Cồ Chin thì những ngôi nhà mà bà con không còn sử dụng được nó phải tồi tàn quá mức. Phòng học chỉ khoảng chục mét vuông nhưng phải chia làm 2 lớp, buổi sáng dành cho học sinh lớp 3-4 học, buổi chiều là lớp 1-2. Chiếc bảng được chia làm đôi, có 2 dãy bàn ghế cũ kỹ, tường xung quanh được thưng bằng tre nứa. Thầy Lù Chí Khánh cho biết: Học sinh Lồ Cồ Chin nhiều năm nay phải học dưới những mái nhà tạm bợ như thế này. Về mùa đông, các em phải gồng mình chống chọi với cái rét thấu xương, còn mùa hè ngồi trong lớp không khác gì ngồi trong lò thiêu. Thực tế, với điều kiện học tập như thế này, chất lượng không thể nâng lên được. Chúng tôi cũng rất mong có sự quan tâm của các cơ quan chức năng và có giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các em học sinh nghèo có được điều kiện học tập tốt, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nền tảng giúp các em xây dựng tương lai mai sau.

Phải học trong những lớp học tồi tàn, cô trò lớp mầm non Lồ Cồ Chin không khỏi xót xa nhìn những phòng học kiên cố phải bỏ hoang. Ngôi trường mầm non được xây dựng khá khang trang, nhưng do quy hoạch và khảo sát địa chất không hợp lý, đến nay, công trình đã hoàn thành nhưng không thể đưa vào sử dụng, do bị sạt lở toàn bộ sân chơi và khoét sâu vào móng nhà, tình trạng sạt lở sẽ còn tiếp diễn và ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng của người dân và các em học sinh. Ông Tráng Seo Páo, Trưởng thôn Lô Cồ Chin trao đổi với chúng tôi: "Khi bắt tay vào xây dựng ngôi trường, cả thôn mừng rỡ, cứ nghĩ sau một thời gian ngắn là con em của thôn được học tập, vui chơi dưới mái trường khang trang, đẹp đẽ, đây sẽ là bước đột phá làm thay đổi bộ mặt của thôn, giúp các cháu nâng cao chất lượng học tập. Nhưng khi công trình vừa xây xong đã bị sạt lở, không thể đưa vào sử dụng, buộc các cháu phải học dưới những mái nhà dột nát, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập. Dân bản Lồ Cồ Chin mong muốn cấp trên có giải pháp giúp con em của thôn Lồ Cồ Chin có được ngôi trường mới".

Thiếu tá Ngô Tiến Tứ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pha Long cho biết: Lồ Cồ Chin là thôn đặc biệt khó khăn của xã Pha Long, nên UBND xã đề nghị UBND huyện Mường Khương cho quy hoạch xây dựng một phân hiệu của trường tiểu học và mầm non ở tại thôn. Nhưng, do việc san lấp mặt bằng kinh phí quá lớn nên chưa thể thực hiện. Còn về trường Mầm non thôn Lồ Cồ Chin, trước khi xây dựng, UBND xã đã có ý kiến, bởi địa chất ở đây rất yếu thường xuyên bị sạt lở, nhưng phía Ban quản lý dự án đã phớt lờ những cảnh báo, vẫn thực hiện thi công ngay tại vị trí hiện tại nên hậu quả công trình không thể đưa vào sử dụng được. Chúng tôi đang đề nghị phía đơn vị thi công và Ban quản lý dự án huyện Mường Khương có phương án khắc phục giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, đã nhiều lần đề nghị nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm, còn cô trò Lồ Cồ Chin vẫn phải đội mưa học chữ.

Danh Anh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét