[Nhà đất-Đại Đoàn Kết] - Bất cập trong quản lý xây dựng:“Chạy” tầng, “chạy” mật độ

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Luật Xây dựng (sửa đổi), chiều 10-4, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Luật ra đời có giải quyết được "chạy” tầng, "chạy” mật độ hay không? Theo ông Lịch, thực tế là lấy đất xong là có việc "chạy” tầng, "chạy” mật độ. Mua đất xong "chạy” xây cao tầng để đẩy giá đất lên cao. "Lẽ ra chúng ta phải quy hoạch mật độ xây dựng trước, nhưng đằng này lại làm ngược”, theo ông Lịch.



Quy hoạch không chi tiết, rõ ràng, dẫn đến sự lộn xộn của đô thị Ảnh: Hoàng Long
"Vừa khai sinh đã khai tử”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Làm rõ trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền
Luật cần lấy ý kiến thêm từ các hội nghề nghiệp cho khách quan, bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch xây dựng thế nào cho rõ ràng. Thời hạn rà soát quy hoạch, công khai quy hoạch ra sao?. Trong cấp phép xây dựng phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền để làm sao đảm bảo đơn giản thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Luật phải làm rõ điều kiện nào được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, công trình nào thì không cần giấy phép xây dựng.
Vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm, yêu cầu Bộ Xây dựng- cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Xây dựng sửa đổi chính là việc quy hoạch chi tiết. Dẫn chứng từ câu chuyện mật độ bình quân tại đường Điện Biên Phủ tại TP. Hồ Chí Minh khi bình quân nhà được xây 5,5 tầng, ông Trần Du Lịch nêu vấn đề: "Không biết quy hoạch kiểu gì mà để từ đó lại dẫn đến "chạy”. Lấy đất xong là "chạy” tầng, "chạy” mật độ. Mua đất xong "chạy” xây tới 15 tầng để đẩy giá đất lên cao. Đáng lẽ ra chúng ta phải quy hoạch mật độ xây dựng trước, nhưng đằng này lại làm ngược” Chính vì thế ông Lịch băn khoăn, Luật (sửa đổi) có giải quyết được vấn đề này không? "Thực tế các nước vấn đề quan trọng không phải là cấp phép xây dựng mà là quy hoạch xây dựng. Phải rất chi tiết, Luật cần phải làm rõ vấn đề này”, ông Lịch nói.
Tình trạng thất thoát, lãng phí trong thời gian qua trong lĩnh vực xây dựng khi nhiều công trình tiền tỷ xây dựng xong nằm "phơi nắng, phơi sương” được ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị) dẫn chứng như một "màu xám” của "bức tranh xây dựng”. Đó chính là do thiếu vắng vai trò quản lý nhà nước trong các khâu: thẩm định; thiết kế; đầu tư xây dựng. "Nhiều công trình tiền tỷ xây xong không vận hành được dẫn đến tình trạng vừa khai sinh đã khai tử. Đây là khâu quan trọng, xác định tổng mức đầu tư, khắc phục thất thoát lãng phí. Do đó cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra kiểm soát thiết kế xây dựng ngay từ đầu. Thẩm định thiết kế xây dựng trước khi cấp phép sẽ hạn chế thất thoát”, ông Tiến nêu.
Còn hai ĐBQH Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiến-Huế) và Tô Văn Tám (Kon Tum) lại chỉ ra điểm "vênh”, bất hợp lý về quy định "quy hoạch xây dựng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất”. ĐB Mạo phân tích: "Quy hoạch xây dựng có thời hạn 20-25 năm, trong khi quy hoạch sử dụng đất theo kỳ là 10 năm, còn theo thời hạn là 5 năm. Như vậy là bất hợp lý. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch trước đây có quy định thuộc về Thủ tướng và HĐND các cấp. Nhưng Luật lại không có bóng dáng của HĐND các cấp”. Theo ĐB Mạo, Luật chưa coi trọng lợi ích của người dân khi trao quyền cho cơ quan Nhà nước cấp chính quyền quá lớn, nhưng "quên” trách nhiệm với người dân. Còn ĐB Tô Văn Tám nói: "Phải khắc phục được tình trạng quy hoạch treo. Do vậy, phải làm rõ thời gian quy hoạch như thế nào”.
Đã có quy hoạch chi tiết rồi thì bắt giấy phép để làm gì?
Sau khi chỉ rõ thực trạng các công ty tư vấn - "tư” thì ít mà "vấn” thì nhiều, dẫn đến sự rối loạn, thất thoát trong các công trình xây dựng- ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật đang thiếu 3 vấn đề quan trọng. Đó là thiếu quyết toán công trình; kiểm toán công trình; quản lý sử dụng công trình. Từ đó, ông Thuyền kiến nghị: "Phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh đối với 3 vấn đề trên để thành ba chương. Nếu không sẽ thất thoát lớn”. Còn ĐBQH Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, phần nào của Luật Đầu tư công liên quan đến xây dựng thì phải đưa sang Luật Xây dựng. Theo ông Phúc, Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, "Vậy trong Luật Xây dựng cái gì là cấm? không được kinh doanh trong lĩnh vực nào thì phải làm rõ? Chứ để đến khi người dân kinh doanh rồi thì không thể cấm dân được”.
ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam) lại đặt vấn đề rằng, còn nhiều vấn đề như bảo hiểm trong đầu tư xây dựng hiện đang quy định bỏ ngỏ, và giao cho Chính phủ quy định một số loại là không chuẩn. "Chúng ta bắt người đầu tư xây dựng phải mua tất cả các loại bảo hiểm là không khả thi. Chỉ mua một số khâu để đảm bảo chất lượng công trình. Bởi sau này liên quan bảo hành, bảo trì thì ai chịu trách nhiệm?” Theo ông Minh, chỉ cần bắt buộc mua bảo hiểm ở các khâu: thiết kế, thi công, bảo hành, bảo trì công trình, là đủ.
Cũng vẫn ĐB Ngô Văn Minh cho rằng, vấn đề giấy phép xây dựng đang có vấn đề. ĐB Minh phân tích: "Trong khu dân cư thành phố, tỉnh lị đã được quy hoạch chi tiết rồi, làm nhà bao nhiêu m2 không cần xin giấy phép. Giờ Luật lại yêu cầu phải xin giấy phép; lại yêu cầu bản vẽ thiết kế có 10 nội dung. Như vậy là không phù hợp với thực tiễn”. Cùng chung quan điểm, ông Trần Ngọc Hùng, Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng nói: "Đã có quy hoạch chi tiết rồi thì bắt giấy phép để làm gì? Ở các nước không cấp phép kiểu đấy nữa, mà buộc lòng phải công nhận, chứ không phải đưa ra 7-8 điều kiện”.
Giải trình về những vấn đề còn băn khoăn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, kinh nghiệm các nước khác thì kiểm soát quy trình rất lâu, còn thi công rất nhanh. Nhưng ở ta thì nhanh trong thủ tục, còn thi công kéo dài. Từ đó gây thất thoát, lãng phí rất lớn. "Nhiều dự án treo do vẽ xong quy hoạch nhưng không xây dựng gây lãng phí. Lỗi này tại ai? Tại cơ quan quản lý. Do vậy, Luật lần này sẽ phải khắc phục cái này”, Bộ trưởng Xây dựng cho biết.
Không nên chỉ "hé mở” với dân

Xung quanh hoạt động công chứng, nhiều ĐBQH đã thẳng thắn nêu ý kiến trong phiên thảo luận của các ĐBQH chuyên trách, sáng 10-4.
Vấn đề hoạt động công chứng có nên vì lợi nhuận hay không nhận được sự quan tâm hơn cả. Theo UBTVQH, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng chính là người được Nhà nước ủy nhiệm thực hiện quyền lực công, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp trong các hợp đồng, giao dịch dân sự mà trong nhiều trường hợp đây là nghĩa vụ bắt buộc do pháp luật quy định. Hoạt động công chứng phải nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của người dân, do đó UBTVQH đề nghị QH cho phép bổ sung nguyên tắc "không vì mục đích lợi nhuận” trong hoạt động công chứng.
Tuy nhiên, nói như ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì nếu các văn phòng công chứng không vì lợi nhuận thì chắc không ai làm. Phân tích làm rõ thêm, ĐB Bùi Sỹ Lợi (UB Các vấn đề xã hội) cho rằng, quy định các văn phòng công chứng hoạt động "không vì mục đích lợi nhuận” là đúng, không "vì mục đích lợi nhuận” chứ không phải "không vì lợi nhuận”.



Hoạt động công chứng, lợi nhuận hay không lợi nhuận? Ảnh: Hoàng Long
Một số ĐB cho rằng, không nên quy định công chứng viên "trung thành với Tổ quốc” là một tiêu chuẩn, vì như vậy sẽ tạo sự khác biệt với các ngành nghề khác và quá đề cao công chứng viên. Nhưng UBTVQH khẳng định, ngoài các yêu cầu về chuyên môn, trong tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên còn cần có sự ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước, với chế độ. "Trung thành với Tổ quốc” cũng là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để xem xét bổ nhiệm đối với nhiều chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư…
Ở một khía cạnh khác, cho rằng Luật quá "cứng”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói: "Nếu thực sự muốn tạo điều kiện cho dân thì cần phải mở hết, không nên chỉ hé mở”. Lục Bình

H.Vũ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét